Hotline: (024) 6293 5455   |  Email: info@delfin.edu.vn

Một vài hỏi đáp về Câu Bị Động

 

Trong video clip này, Delfin English sẽ giải đáp 4 câu hỏi về dạng bị động trong tiếng Anh mà các bạn học sinh đã gửi về cho Delfin sau khi học 2 bài đầu tiên về Dạng bị động cơ bản và Dạng bị động đặc biệt trong tiếng Anh.

 

Hỏi đáp về câu bị động

Câu hỏi 1: Dạng bị động có trùng với cách nói bị/ được trong tiếng Việt?

Trả lời:  Câu trả lời là “vừa đúng, vừa sai”

Đúng trong câu: Na was given a new sweater. (Na được cho một cái áo len mới.)

Nhưng trong câu “Tôi được học với cô giáo đó hồi lớp 1” thì “được” không chỉ ý bị động đâu nhé, mà có nghĩa là “tôi có may mắn được học với cô giáo đó hồi lớp 1.”
Nếu dịch câu trên là “I was learnt with that teacher in Grade 1” thì sẽ sai về nghĩa. Dịch đúng là “I was lucky to learn with that teacher in Grade 1” hoặc “I had a chance/ opportunity to learn with that teacher in Grade 1.”

Nghĩa “bị/ được” trong tiếng Việt ngoài thể hiện nghĩa bị/ được tác động tới, thì còn thể hiện điều đang xảy ra là điều tốt, đáng mong đợi hay là điều xấu, không ai mong muốn.

 

Câu hỏi 2: Ngoài thay những thay đổi trong năm bước khi chuyển từ câu chủ động sang bị động, có còn gì phải thay đổi gì nữa không?

 

Trả lời: Có. Thỉnh thoảng cần có vài thay đổi. Những thay đổi này đi theo từng câu cụ thể nên khó có thể bao quát hết các trường hợp, nhưng bạn chỉ cần tự hỏi mình 2 câu sau đây để xem có cần thay đổi gì nữa không.

1. Câu bị động này đã đúng ngữ pháp chưa?
2. Câu bị động này đã rõ nghĩa chưa?

Nếu câu trả lời là “Chưa” thì là lúc chúng ta cần hỏi tiếp “Vậy cần thay đổi gì để câu này đúng ngữ pháp và đúng nghĩa?”

Ví dụ: Chuyển câu chủ động Tom pushed his friends.” sang bị động.

Nếu làm theo đúng 5 bước chuyển đổi, ta sẽ có câu bị động là “His friends were pushed by Tom.”

Trong câu chủ động, vì Tom đứng ở đầu câu nên ta hiểu “his friends” là bạn của Tom. Trong câu bị động, vì Tom đứng sau, nên ta không biết “his” ở đây là nói đến ai. Muốn câu rõ nghĩa là “bạn của Tom” ta sẽ phải thay đổi chủ ngữ thành Tom’s friends were pushed by him.”

 

Câu hỏi 3: Nên để phần thông tin chủ thể của hành động “by…” ở vị trí nào trong câu?

Ví dụ: Nên viết là

“This homework was done by Alice at school.” hay

“This homework was done at school by Alice”?

Câu trả lời là cả 2 câu đều không sai, vì đặt “by Alice” ở đâu cũng không thay đổi nghĩa của câu, mặc dù cách 1 nghe sẽ tự nhiên hơn.

Tuy nhiên có một số trường hợp, việc bạn đặt “by…” ở đâu sẽ làm thay đổi nghĩa của câu.

Ví dụ: The problem was found by David in the city.
Khi “in the city” đặt sau David như thế này, nó sẽ bổ sung thông tin cho David, cho chúng ta biết David đang ở trong thành phố khi anh ta phát hiện ra vấn đề.

The problem was found in the city by David.
Khi “in the city” đặt trước “by David” như thế này thì nó có nghĩa là vấn đề này là vấn đề của thành phố và David là người phát hiện ra nó.
Vậy đặt “by…” ở đâu là do ý nghĩa của câu quyết định. Bạn muốn người đọc hiểu theo nghĩa nào thì sẽ đặt chủ thể của hành động ở vị trí tương ứng.

Câu hỏi 4: Khi nào thì ta có thể hoặc nên bỏ đi phần thông tin về chủ thể của hành động (phần by…)?

Trả lời:  Chúng ta có thể ẩn đi phần thông tin về chủ thể của hành động (agent of action) trong 3 trường hợp sau:

1. Khi ta không biết chủ thể hành động là ai/ cái gì (unkown agent)

Ví dụ: “Someone broke the vase.”=>The vase was broken. (We don’t know who broke it yet.)

2. Khi chủ thể của hành động đã quá rõ ràng (obvious agent)

Ví dụ: “People cut down many trees every year.” => Many trees are cut down every year.

3. Khi thông tin về chủ thể không quan trọng (unimportant agent)

Trường hợp này, có để thông tin về chủ thể hành động hay không phụ thuộc vào chủ ý của người nói.

 

Lưu ý: Trong nhiều trường hợp, nếu viết câu ở dạng bị động mà gây ra sự khó hiểu, thì ta nên viết câu ở thể chủ động.
Trong ví dụ về câu “This homework was done by Alice at school” bên trên, cách tốt nhất để viết câu này là ở dạng chủ động: “Alice did this homework at school.” Vừa thuận tai, vừa dễ hiểu hơn so với cách nói bị động.


Vậy thông điệp cuối cùng chính là: Đừng lạm dụng dạng bị động nhé!

Chúc các bạn học vui. Nếu có điểm nào chưa rõ hoặc câu hỏi nào khác, hãy gửi thư của bạn về hòm thư info@delfin.edu.vn nhé. 

 

Designed & Developed by ThemeXpert