Tổng hợp về Câu điều Kiện
Các câu điều kiện cơ bản (loại 0, 1, 2, 3) gần như là kiến thức cơ bản trong mọi kì thi, mà lại rất dễ nhầm lẫn với nhau. Hôm nay, Delfin English sẽ cùng các bạn tổng hợp lại kiến thức về tất cả các loại câu điều kiện trong tiếng Anh.
Table of Contents
Cấu trúc mẫu câu điều kiện
Một câu điều kiện có 2 mệnh đề:
- mệnh đề nằm sau “if”: mệnh đề điều kiện
- mệnh đề chính
Ví dụ: If it rains tomorrow, we will cancel the outdoor class.
=> If it rains tomorrow: mệnh đề điều kiện; we will cancel the outdoor class: mệnh đề chính.
Câu điều kiện loại Zero (loại 0)
Trong câu đk loại zero, động từ trong cả mệnh đề chính và mệnh đề điều kiện đều chia ở thời hiện tại đơn (present simple).
If + [present simple], [present simple].
Ví dụ: If we heat water to 100 degrees, it boils.
Chức năng: Câu điều kiện loại zero được dùng trong những trường hợp luôn luôn đúng: nếu có các điều kiện như vậy thì kết quả sẽ luôn như vậy.
Như trong ví dụ trên, ở điều kiện bình thường, nếu đun nước tới 100 độ C thì nước sôi, đó là điều hiển nhiên (Trong các trường hợp này, ta có thể thay “if” bằng “when” thì nghĩa của câu vẫn không thay đổi).
Câu điều kiện loại 1
Ở câu điều kiện loại 1, động từ trong mệnh đề điều kiện chia ở hiện tại đơn (present simple), còn động từ chính chia ở tương lai đơn (future simple).
If present simple, S + will (not) + verb
Ví dụ: If I see her this afternoon, I’ll tell her you say ‘Hi.’
Chức năng: Câu điều kiện loại 1 dùng để nói về một khả năng có thể xảy ra trong tương lai nếu có các điều kiện nhất định. Như trong câu trên thì chiều nay tôi có thể gặp cô ấy, cũng có thể không. Nhưng nếu gặp thì tôi sẽ bảo cô ấy anh gửi lời hỏi thăm.
Câu điều kiện loại 1 khác câu điều kiện zero ở đâu? Đó là câu loại zero nói về các sự thật nói chung, còn loại 1 nói về một tình huống cụ thể.
Câu điều kiện loại 2
Ở câu điều kiện loại 2, động từ trong mệnh đề đk “if” được chia ở thời quá khứ đơn (past simple), còn động từ trong mệnh đề chính sử dụng would + động từ nguyên thể.
If + past simple, S + would + V-infinitive.
Ví dụ: If I won the lottery, I would buy a car.
Chức năng: Chúng ta dùng câu đk loại 2 với 2 sắc thái nghĩa:
- Để diễn tả một tình huống ít có khả năng xảy ra trong tương lai, giống như một sự mơ mộng hay một điều giả định như If I won the lottety, I would buy a car/ If the Earth stopped revolving, everyone would die.
- Để diễn tả một tình huống không có thật và do đó không thể xảy ra ở hiện tại (If I had his number I would call him)
Câu điều kiện loại 3
Ở câu điều kiện loại 3, động từ trong mệnh đề điều kiện “if” được chia ở thời quá khứ hoàn thành (past perfect), còn trong mệnh đề chính ta dùng “would have” cộng với phân từ hai.
If + past perfect, … would have + V(P2)
Ví dụ: If she hadn’t missed the bus, she wouldn’t have been late for the meeting.
Chức năng: Đây là kiểu câu nói về tình huống trong quá khứ. Third conditional được sử dụng khi nói đến một hoàn cảnh đã không xảy ra, do đó kết quả chỉ là tưởng tượng.
Ví dụ: She wouldn’t have met him if she hadn’t come to the party.
(Thực tế thì hoàn toàn ngược lại: Cô ấy đã đến bữa tiệc và đã gặp anh ta ở đấy. Nên giả định là cô ấy không đến bữa tiệc thì đã không gặp anh ta chỉ là một kết quả tưởng tượng mà thôi.)
Câu điều kiện loại kết hợp
ví dụ: If we had met earlier, our lives would be different now.
Trong câu này, động từ trong mệnh đề if được chia ở thời quá khứ hoàn thành, là dấu hiệu của câu điều kiện loại 3, trong khi động từ trong mệnh đề chính lại là would + V-infinitive, là đặc trưng của câu điều kiện loại 2. Đó là một ví dụ về câu điều kiện kết hợp.
Vậy thì câu điều kiện loại kết hợp được sử dụng trong tình huống nào?
- Khi diễn tả về hệ quả ở hiện tại của một điều kiện trong quá khứ.
If + past perfect, S + would + V-infinitive
Ví dụ: If we had met earlier, our lives would be so different now.
- Khi diễn tả về một hệ quả ở quá khứ của một điều kiện vẫn đúng ở hiện tại.
If + past simple, S + would have + V(P2)
Ví dụ: If we didn’t trust him, we wouldn’t have offered him the job.
Để có thể làm các bài tập về câu điều kiện một cách chuẩn xác, các bạn chỉ cần hỏi bản thân 3 câu hỏi sau:
1. Mệnh đề này nói về sự thật nói chung (loại 0) hay là một tình huống cụ thể (loại 1)?
2. Mệnh đề này nói về thời hiện tại, tương lai (loại 2) hay quá khứ (loại 3)?
3. Tình huống này có khả năng xảy ra cao (loại 1) hay (rất) thấp (loại 2) hay hoàn toàn trái ngược với thực tế đã xảy ra (loại 3)?