Triết lí giáo dục
Việc học chỉ diễn ra khi những gì được học có ý nghĩa đối với học sinh.
Ba nguyên tắc nền tảng cho việc thiết kế chương trình của Delfin English bao gồm:
1) Tôn trọng cá nhân
Không thể phủ nhận mỗi học sinh là một cá thể đặc biệt với những năng lực, sở thích riêng, những cách học không ai giống ai. Delfin ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu và tôn trọng sự khác biệt, phát hiện và phát huy thế mạnh của học sinh, nhằm làm cho việc học trở nên có ý nghĩa với từng cá nhân.
Để làm được như vậy thì bài học cần đảm bảo vừa sức, hấp dẫn, và giúp học sinh giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Bốn năm học cấp 2, đặc biệt là năm đầu cấp, đóng vai trò như một chiếc bản lề giữa tuổi thiếu nhi và thiếu niên. Bước vào lớp 6, nhiều bạn bị sốc vì có quá nhiều điều mới mẻ ập tới một lúc: bạn bè mới, thầy cô mới, cách học mới. Thay vì một thầy/ cô phụ trách tất cả các môn, giờ mỗi môn lại có một thầy/ cô phụ trách riêng. Cũng không còn ai kè kè theo sau nhắc nhở ghi bài tập, làm bài tập mỗi ngày. Những yêu cầu học thuật ngày một khó hơn yêu cầu học sinh phải biết tổ chức việc học một cách khoa học nhất và phát triển các năng lực tự học.
Delfin luôn trăn trở để hiểu rõ các em học sinh của mình đang trưởng thành trong một xã hội như thế nào, đang phải đối mặt với những khó khăn gì trong mối quan hệ với mọi người xung quanh ở nhà và ở trường, đang cần những sự giúp đỡ gì? Từ đó Delfin có thể lồng ghép những nội dung và hoạt động học có ích nhất đối với học sinh trong các giờ học tiếng.
Ví dụ một giờ học cấu trúc “If only…” “I wish…” có thể trở thành cơ hội để giáo viên lắng nghe những lời nhắn gửi các bạn tuổi teen muốn gửi đến thầy cô, bố mẹ…
Delfin tin rằng chỉ có thực tâm lắng nghe thì mới có được sự tin tưởng và chia sẻ của các em, và có hiểu học sinh thì mới có thể có sự hỗ trợ phù hợp nhất.
2) Phát triển tổng hoà các năng lực
Một môn học được thiết kế tốt cần cho thấy sự liên kết giữa môn học đó với các môn học khác trong tổng thể chương trình học của học sinh và phát triển được những năng lực áp dụng được trong các môn học khác nhau (các năng lực và kĩ năng liên môn), thậm chí là phát triển những năng lực có ích cho học sinh trong suốt cuộc sống sau này.
Với đặc thù của một bộ môn ngôn ngữ, Tiếng Anh có rất nhiều “đất” để kết hợp các nội dung thuộc mọi lĩnh vực đời sống, khoa học, xã hội vào trong các bài học. Biết tận dụng và sắp xếp một cách khoa học, một lớp học tiếng Anh có thể nâng cao kiến thức nền cho học sinh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt nếu các kiến thức này được đào sâu thông qua các dự án học tập. Các nội dung chứa trong lớp vỏ ngôn ngữ chính là một nhân tố quan trọng khiến ngôn ngữ trở nên có ý nghĩa với học sinh.
Một môn học với nhiều cơ hội giao tiếp, làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ để tìm hiểu sâu các nội dung kiến thức liên môn cũng là “mảnh đất” phù hợp để xây dựng các kĩ năng tư duy và kĩ năng mềm: kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, tư duy phản biện và kết nối…
Các khoá học ở Delfin được thiết kế để không chỉ đạt được mục tiêu ngôn ngữ mà còn phát triển kiến thức nền và các năng lực học tập cho học sinh. Hai mục tiêu này không hề mâu thuẫn mà gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau.
3) Đề cao giáo dục trải nghiệm
“Give people something to do, not something to learn; and the doing is of such a nature as to demand thinking; learning naturally results.” – John Dewey
Muốn học sinh học không thể chỉ đưa một quyển sách bảo “Học đi!” là được. Cần phải tạo cơ hội cho học sinh được “làm”, được trải nghiệm thì sự học mới có thể diễn ra một cách tự nhiên. Triết lí học đi đôi với hành của nhà sư phạm người Mỹ John Dewey là một trong những triết lí nền tảng trong thiết kế chương trình của Delfin English.
Muốn học sinh hình thành được kĩ năng đặt câu hỏi, cần tạo ra các tình huống để kích thích trí tò mò của học sinh, cần cho học sinh cơ hội theo đuổi câu hỏi mình đã đặt ra để xem câu hỏi này dẫn mình tới đâu. Muốn học sinh rèn luyện kĩ năng tìm kiếm thông tin, cũng không có cách nào khác là để các em tự chọn từ khoá, tự xác định nguồn thông tin, tự định hướng quá trình tìm kiếm, tự kiểm tra tính chính xác của thông tin. Muốn học sinh học được cách làm việc nhóm, chỉ có cách để cho các em trải qua những va chạm, những vấn đề nảy sinh trong quá trình hợp tác với người khác để từ đó tìm cách giải quyết vấn đề…
Chính các dự án học tập này cũng lại là cơ hội để học sinh áp dụng những kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh được học vào giải quyết các bài toán thực tế, giúp các em hiểu sâu hơn cách sử dụng của ngôn từ, khiến ngôn ngữ trở nên có ý nghĩa với cá nhân các em.