Cô Huyền Minh
Xuất phát điểm là học sinh chuyên Pháp trường Ams, lên đại học lại theo chuyên ngành quan hệ quốc tế, cô Huyền Minh chỉ mới “bắt duyên" với tiếng Anh từ năm thứ 2 đại học khi trường yêu cầu lựa chọn ngoại ngữ thứ hai. Thế nhưng rất nhanh chóng, cô đã làm chủ ngoại ngữ này chỉ trong 9 tháng, hoàn thành chương trình thạc sỹ về giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Northumbria, Vương quốc Anh, và gắn bó với công việc này đã hơn 10 năm. Bí quyết nào giúp cô có thể thành công như vậy? Hãy cùng Delfin trò chuyện cùng cô Huyền Minh để cùng tìm hiểu nhé!
Delfin: Chào cô Huyền Minh! Cô có thể chia sẻ bí quyết nào để có thể vừa giỏi tiếng Pháp, vừa siêu tiếng Anh như vậy ạ?
Cô Huyền Minh: Lúc bắt đầu với tiếng Anh, mình rất say sưa.Tự mình thấy cần phải học ngay không thì muộn mất. Một đứa 20 tuổi mà không biết gì ngoài Hello, thank you, bố mẹ không hề tạo sức ép, nhưng tự mình thấy rất sốt ruột! Mình học rất đơn giản, bắt đầu từ 1 bộ giáo trình Lifeline thôi, đi từ quyển Elementary cho tới Intermediate, không nhảy cóc, không bỏ ngang, cũng không học thêm gì nữa. Từng đó bài đọc và nghe, mình sẽ nhớ các từ, hiểu nghĩa, đọc to, bắt chước ngữ điệu, viết lại cho tới khi nhuần nhuyễn vừa nói vừa hiểu trong đầu luôn. Cứ như vậy trong khoảng 2-3 level đầu (Elementary, Pre-Inter, Inter) mình thậm chí có thể nhớ được từ này mình học ở quyển nào, tất nhiên là ko thể đến mức trang nào rồi (cười). Sau đó thì bắt đầu đọc và nghe mở rộng ra do các nội dung trong sách trở nên khá đơn giản và dễ đoán.
Vì vậy chỉ sau khoảng 9 tháng, mình hầu như có thể giao tiếp khá ổn với người nước ngoài, không sợ, khá trôi chảy, nghe hiểu họ nói, tuy nhiên các chủ đề còn đơn giản vì chỉ gói gọn trong những gì mình học.
Delfin: Chỉ tự học mà có thể tự tin giao tiếp chỉ sau 9 tháng thì siêu quá ạ. Cô có bí quyết nào nữa không ạ?
Cô Huyền Minh: Một cách nữa là mình thường tự tua lại cuộc nói chuyện bằng tiếng Anh trong ngày nếu có. Nghĩ xem nếu có thời gian, có từ điển, mình sẽ muốn nói lại câu đó thế nào. Mình cũng học từ các series phim Mỹ yêu thích như Friends, Charmed,...Ngôn ngữ rất tự nhiên mà lại có ngữ cảnh, có thể sử dụng luôn, không phải dịch từng từ vừa lâu vừa không chuẩn.
Tóm lại mình nghĩ việc học nên bắt đầu từ sở thích của bản thân, dừng trước khi chán và cố gắng làm những việc mình thấy thú vị và có ý nghĩa bằng tiếng Anh thay vì nghĩ mình đang "học" tiếng Anh. Mình học là để sử dụng, học ngôn ngữ theo cách người bản xứ sử dụng trước cho tới khi có đủ vốn, đủ cảm giác về ngôn ngữ ấy để tự ghép từ và diễn đạt ý riêng của mình mà người bản ngữ vẫn hiểu được.
Delfin: Nghe nói cô đã từng dịch nguyên cuốn "Nhà giả kim" mặc dù trên thị trường đã có nhiều bản dịch? Động lực nào khiến cô quyết định dịch cả cuốn sách như vậy? Việc dịch sách có giúp gì cho việc học ngôn ngữ không ạ?
Cô Huyền Minh: Mình không rõ với người khác thế nào, vì việc học vốn mang tính cá nhân cao mà, nhưng với mình thì dịch sách giúp ích rất nhiều. Nó khiến cho mình tha thiết với việc hiểu một ngôn ngữ, hiểu văn hóa và con người phía sau đó, và nghĩ nhiều về văn hóa và con người mình. Khi đó, ngôn ngữ mới có ý nghĩa và không thể bị quên.
Mình dịch quyển này hồi ở bên Anh. Mình nhớ lần đầu tiên đọc “Nhà giả kim” là qua một bản lược dịch được đăng từng kỳ trên một tờ báo teen của Sài Gòn tên Mực Tím (bằng tiếng Việt). Mình và anh mình thích mê câu chuyện và triết lí của nó (mọi ng có thể thử đọc xem). Và khi gặp được bản đầy đủ bằng tiếng Anh, mình lập tức quyết định dịch nó ra cho anh trai đọc cùng.
Delfin: Ngoài cuốn “Nhà giả kim" cô có dịch thêm cuốn nào nữa không ạ?
Cô Huyền Minh: Cùng với quyển này mình còn dich quyển “Bức thư từ một người đàn bà không quen”. Hồi cấp 3, có một cậu bạn (giờ là một dịch giả khá nổi về tiếng Pháp) thuyết trình trong giờ tiếng Pháp về nguồn gốc của bản quốc ca Pháp - một dự án học tập hồi ở Ams. Cậu ấy mang tuyển tập của Stefen Zweig (bản tiếng Việt - có truyện về bản quốc ca ấy) đi để cho mọi người xem tận mắt tác phẩm đã tạo cảm hứng cho cậu ấy. Và mình không thể nhớ nổi các giờ ra chơi của hôm đó thế nào vì đã hoàn toàn "đắm chìm" trong các câu chuyện ngắn của quyển sách ấy. Truyện Bức thư... cũng nằm trong đó. Và khi ở Anh, mình tha thiết muốn chia sẻ cảm giác không thể tin nổi người ta có thể làm gì với ngôn ngữ khi thảo luận với một người bạn về câu chuyện đó mà tiếng Anh của bạn ấy chỉ đủ để giao tiếp căn bản! Thế là phải dịch thôi!
Delfin: Ôi hay quá ạ! Delfin rất ngưỡng mộ khả năng tự học của cô!
Cô Huyền Minh: Cảm ơn bạn! Mình nghĩ rằng ai cũng có thể giỏi ngôn ngữ nếu có lòng quyết tâm, sự đam mê, và sự kiên nhẫn bền bỉ. Không ai có thể học thay được mình, nên chỉ cần yêu thích và quyết tâm, mình sẽ tìm được cơ hội học tập từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Xin cảm ơn cô Huyền Minh đã chia sẻ những bí quyết học ngoại ngữ đã giúp cô thành công. Cách học từ phim, từ việc dịch sách, và hơn cả là sự bền bỉ của cô thật đáng nể. Các bạn cá heo ơi, sao không thử áp dụng những cách học này ngay nhỉ?