Hotline: (024) 6293 5455   |  Email: info@delfin.edu.vn

Cô Minh Châu

CÔ GIÁO CUTE NHẤT QUẢ ĐẤT!
   

Cô Châu thực ra trông không khác một bạn học sinh trung học là mấy. Cô trẻ hơn tuổi rất nhiều có lẽ một phần bởi sự gần gụi về những mối quan tâm, sở thích và cả sự hồn nhiên, ấm áp thường thấy ở lứa tuổi học sinh. Học sinh thường không sợ cô, mà rất yêu cô.

 

Mà trông cô Châu nhỏ bé, mảnh mai thế thôi, chứ cô giáo nhiều thành tích “khủng" lắm đấy: 8.5 điểm IELTS này, bằng thạc sỹ về giảng dạy tiếng Anh của Đại học Leicester - Anh quốc này, cô còn rất giàu kinh nghiệm bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi và đội tuyển thi World Scholar's Cup nữa. Với những cuộc thi học sinh giỏi, để đạt giải cao, học sinh cần nắm rất vững ngữ pháp và có vốn từ vựng rất tốt. Còn những cuộc thi quốc tế như World Scholar’s Cup thì lại thử thách vốn kiến thức nền cũng như tư duy phản biện của các bạn tham dự. Hai mảng quan trọng nhất của cuộc thi World Scholar's Cup chính là phần thi tranh biện và phần thi viết trong đó các bạn học sinh sẽ được thử sức với nhiều đề tài gây tranh cãi. Với tư duy phản biện sắc bén, cô Châu đã giúp được nhiều nhóm học sinh đạt thành tích cao trong hai năm công tác tại trường PTLC Vinschool Times City.

 

Gần đây, cô Châu mới chuyển công tác về Trường THCS Archimedes, và đảm nhận luôn một công việc rất quan trọng: Điều phối mảng giảng dạy của nhóm các giáo viên người nước ngoài tại trường. Cô rất tâm huyết với công việc mới và trăn trở nhiều ngày về việc làm thế nào hỗ trợ và phối hợp tốt hơn giữa nhóm giáo viên bản ngữ và giáo viên Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả học tiếng Anh cho học sinh. Được phân công dạy một số lớp học sinh thi khối A, tức là môn Ngoại ngữ cũng không được chú trọng, cô Châu còn có một trăn trở là làm sao khiến các em nhận ra được rằng việc học Ngoại ngữ là một con đường dài và hướng tới những mục tiêu xa hơn rất nhiều, chứ không phải chỉ để vượt qua một vài cuộc thi. Dần dần từng bước, cô Châu nỗ lực thuyết phục các em rằng học tiếng Anh thật ra rất vui và sẽ rất có ích trong tương lai lâu dài.

 

Đối với các bạn học sinh đã từng được học cô và các đồng nghiệp đã từng làm việc với cô Châu, lòng nhiệt huyết và sự vô tư có lẽ là ấn tượng sâu đậm nhất về cô. Cô-giáo-yêu-mèo này chắc chắn sẽ khiến bạn vừa yêu quý vừa nể phục đấy!

  Chúng ta cùng trò chuyện với cô Châu để hiểu thêm về cô giáo đáng yêu này nhé:

Delfin: Là một giáo viên trẻ, cô nghĩ tuổi tác có ảnh hưởng gì tới cách cô làm việc với HS?

Cô Châu: Năm đầu tiên mình đi dạy, mình hơn học sinh vỏn vẹn 10 tuổi. Khi bước vào lớp, nhiều bạn gọi cô là “chị” hoặc nhầm tưởng là “cô giáo thực tập”. Cũng có những bạn đến tận bây giờ vẫn gọi mình là “chị” xưng “con”. Mình nghĩ tuổi trẻ là thứ khiến mình gần gũi với các bạn học sinh hơn, các bạn như người đồng hành, người tương tác với mình trong lớp học. Đôi khi, khoảng cách tuổi tác ngắn cũng giúp mình hiểu nhiều về tâm lý cũng như thế giới con trẻ nhiều hơn để điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Và vì coi các bạn học sinh là những người bạn, mình chưa bao giờ ngần ngại chia sẻ những gì mình trải nghiệm và học được với các bạn. Đồng thời, các bạn cũng dạy lại cho mình nhiều điều và là động lực để mình tìm hiểu nhiều hơn những gì đang có để đem lại những bài học hay nhất.

 

Delfin: Cô có kỉ niệm gì đáng nhớ nhất trong thời gian du học tại Anh? Điều gì khiến cô quyết định đi du học? Cô có gặp khó khăn gì không khi theo học chương trình thạc sỹ?

Cô Châu: Mình đã từng du học tại Anh trong một thời gian ngắn, nhưng trải nghiệm của mình ở nơi ấy là những điều tuyệt vời nhất và kỉ niệm nhiều đếm không xuể. Một tối mưa nọ, cô bạn Trung Quốc cùng nhà đã dẫn mình đến một buổi gặp mặt gọi là Globe Cafe nơi nhà thờ tổ chức cho sinh viên quốc tế để chúng mình có cơ hội giao tiếp với người bản xứ, tìm hiểu văn hoá nước Anh. Nơi đây chính là nơi mình gặp 3 người bác luôn mời mình đến nhà uống trà chiều, dự lễ Giáng sinh, chở mình đi thăm quan những ngôi làng vùng quê mỗi cuối tuần. Đó cũng là nơi mình gặp được những người bạn thân đến từ Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Họ chính là cầu nối để mình tìm hiểu thêm về nhiều văn hoá trên thế giới và cũng là những tourguide “xịn” mỗi khi mình có dịp ghé thăm.

Bố mình là người luôn ủng hộ việc mình đi du học nhưng chỉ với một điều kiện là mình phải biết mình mong muốn học ngành nào. Sau nhiều thử nghiệm thành công đến thất bại trên con đường tìm công việc mình yêu thích, mình quyết định trau dồi thêm về kỹ năng sư phạm của mình vì trước đó mình đã theo học ngành Ngôn ngữ Anh và cực kỳ yêu thích công việc giảng dạy các bạn nhỏ. Và thế là một ngày tháng 7, khi còn đang ngồi văn phòng làm việc của một NGO, mình đã quyết định mở một cửa sổ trình duyệt mời để xin học ngành TESOL.

Mình cảm thấy rất biết ơn các thầy cô ở Đại học ngoại ngữ - ĐHQGHN (ULIS) vì những gì mình học được ở ULIS đã giúp mình rất nhiều trong thời gian học ở Anh, từ nền tảng chương trình học đến làm quen các dạng bài tập thuyết trình hay viết luận. Khó khăn lớn nhất chắc là việc phải làm quen với “accent” của nhiều thầy cô đến từ các vùng khác nhau ở nước Anh. Mình đã nhăn nhó khoảng 1 tháng khi mới sang học và học trúng môn lý thuyết của một thầy đến từ vùng Newcastle. Và cuối cùng, khi đã “chinh phục” được accent của thầy, mình đã được học được những bài học hay nhất trong cả khoá học về lý thuyết cũng như thực hành trên lớp. Đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời với tư cách là một người học ngôn ngữ. Ngoài ra, việc đọc và nghiên cứu, ghi chép rất nhiều tài liệu cũng là một thử thách. Thầy cô thường yêu cầu sinh viên đọc từ 30 đến 50 đầu sách tham khảo cho một bài tập viết luận 3000 từ.

 

Delfin: Hiện nay có rất nhiều cuộc thi tiếng Anh như cuộc thi hùng biện của EF, thi World Scholar's Cup, v.v. Cô nghĩ gì về các cuộc thi này? Tham gia các cuộc thi này có lợi gì cho HS hay ko?

Cô Châu: Các cuộc thi như cuộc thi Hùng biện tiếng Anh, World Scholar’s Cup … là những sân chơi mới đầy thách thức cho các bạn học sinh ở mọi lứa tuổi. Những cuộc thi này đòi hỏi học sinh sử dụng khả năng tiếng Anh của mình để tìm hiểu nghiên cứu nhiều chủ điểm xã hội, lịch sử, văn hoá… và liên hệ với chính bản thân mình để đúc kết ra hiểu biết của mình. Các cuộc thi này cũng rèn luyện cho các bạn học sinh nhiều kĩ năng thiết yếu của thế kỉ 21 để sở thành công dân toàn cầu: phương pháp nghiên cứu, ghi chép, suy luận phản biện, thuyết trình,...

 

Delfin: Cô đã hỗ trợ thành công nhiều nhóm HS tham gia các kì thi HSG tiếng Anh, World Scholar's Cup... Từ nhận định của cô thì các nhóm thành công này có chung đặc điểm gì?

Cô Châu: Những học sinh thành công ở các cuộc thi tiếng Anh hầu như đều có một đặc điểm chung, đó là các bạn xác định mục tiêu rất rõ ràng và sẵn sàng đầu tư thời gian cho các cuộc thi đó. Có những bạn học sinh viết rất nhiều bản nháp và trao đổi trực tiếp cũng như qua email cho đến khi có được bài nói hoàn hảo nhất khi tham gia các cuộc thi hùng biện như EF Challenge. Ngoài ra, các bạn cũng là những người có phương pháp học thông minh, và giỏi năm bắt công nghệ. Các bạn thi World Scholar’s Cup thì sáng ứng dụng các phần mềm học và website học như Quizlet hay Kahoot để ôn tập cho lượng thông tin “khủng” các bạn nghiên cứu được.

 

Delfin: Cô đã dạy HS ở cả lứa tuổi THCS và THPT. Hai lứa tuổi này khác nhau như thế nào và có ảnh hưởng tới cách cô tổ chức lớp học hay không?

Cô Châu: Hai lứa tuổi học sinh THCS và THPT thật sự rất khác biệt. Các bạn học sinh THPT trưởng thành và có suy nghĩ độc lập hơn. Khi làm việc với các bạn, mình thường hướng các bạn đến các kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, tự quản lý thời gian. Khối lượng kiến thức bên ngoài như xã hội, lịch sử, văn học, tin tức thời sự, …. cần được lồng ghép thường xuyên vào các bài học ngôn ngữ. Ngoài ra, các kĩ năng mềm như kĩ năng thuyết trình, sử dụng công cụ giao tiếp như email cũng rất cần thiết để chuẩn bị cho các bạn trước khi vào giảng đường đại học.

Các bạn học sinh THCS thì láu lỉnh và hoạt bát hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa là các bạn sẽ không trụ được nếu bài học quá “tĩnh”, các bạn cần nhiều hoạt động trong một bài học và được chia nhỏ ra một cách khéo kéo và có độ liên kết xuyên suốt chủ điểm bài học. Ngoài ra, các bạn THCS cần những bài học ngôn ngữ cơ bản vững chắc nên việc giới thiệu những khía cạnh khác nhau của môn tiếng Anh như ngữ âm, ngữ điệu hay ngữ pháp là rất cần thiết.

 

Delfin: Ấn tượng của cô về các bạn HS ở Delfin English ntn?

Cô Châu: Các bạn học sinh ở Delfin là một trong những bạn học sinh tuyệt vời nhất trong số học sinh mình từng dạy. Các bạn như một miếng mút luôn sẵn sàng “hấp thu” các kiến thức và hoạt động ngôn ngữ. Chương trình học của Delfin đã giúp các bạn tiếp cận được cách học ngôn ngữ rất khác, ví dụ như phương pháp học dự án. Vì vậy, mọi thứ đều thật là mới và ai cũng háo hức tò mò trước mỗi bài học vì mỗi ngày là một điều mới các bạn học về thế giới thông qua tiếng Anh.

 
Designed & Developed by ThemeXpert